Cơ duyên và hoằng pháp Viên_Văn_Chuyết_Chuyết

Sư sinh năm 1950, tên tục là Lý Thiên Tộ, quê ở Tiệm Sơn, phủ Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến. Truyền thuyết kể lại mẹ sư do nằm mộng thấy trên rốn mọc lên một bông hoa sen vàng mà mang thai rồi sau ba năm mới sinh ra sư, nên sư được đặt tên là Tân Liên. Thủa nhỏ, sư học Nho Giáo và thông thạo về Tứ Thư, Ngũ Kinh, cha mẹ sư mất sớm, sư sống cùng với người chú.

Năm 15 tuổi, sư xuất gia và tu học với Trưởng Lão chùa Tiệm Sơn. Một hôm, Trưởng lão hỏi sư: “Ngươi định tạo sự nghiệp gì mà tìm về cửa Phật?“. Sư đáp: Giúp vua cứu dân. Trưởng lão dạy: “Lành thay! Ý chí vượt trời xanh, tuy nhiên vẫn còn ham đắm nơi danh lợi“. Trưởng lão thấy sư còn nhỏ ham danh lợi nên chuyên tâm dạy đạo và giúp sư ngộ đạo.

Sau, sư đến thọ giới cụ túc với Đại sư Tăng Đà Đà tại chùa Nam Sơn. Nhận thấy sư là môn đệ xuất sắc trong chúng, thấu suốt ý chỉ thâm sâu Phật pháp, Thiền sư Tăng Đà Đà rất quý trọng và thường đem tâm yếu Thiền Tông truyền dạy cho sư. Thiền sư Tăng Đà Đà từng tuyên bố với đại chúng rằng: “Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng”. Sau này, sư ngộ đạo và được ngài ấn khả, cho nối pháp Tông Lâm Tế, sư thuộc pháp phái và truyền theo pháp kệ của Thiền sư Đột Không Trí Bản.

Sau khi ngộ đạo, sư bắt đầu khai đường thuyết pháp ở trong nước. Đến năm 1930, sư cùng với một số đệ tử rời khỏi Trung Quốc và đến Campuchia và thuyết pháp tại đây, sư rất được vua Campuchia kính trọng. Sau sư rời Campuchia và đến hoằng hóa tại Chiêm Thành, từ Chiêm Thành sư vào Đại Việt truyền bá Phật pháp. Từ Đằng Trong, sư cùng các môn đệ ra Đằng Ngoài và từng dừng chân tại các chùa Thiên Tượng ở Nghệ An, Trạch Lâm ở Thanh Hóa một thời gian.

Đến năm 1933, sư đến Thăng Long và trụ tại chùa Khán Sơn và thuyết pháp nơi đây. Sau sư được mời đến chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh trụ trì và hoằng pháp. Trong thời gian giáo hoá ở đây, Sư được Chúa Trịnh Tráng quý trọng, vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu cũng đều tôn kính, người đến tham học rất đông, có cả người Việt lẫn người gốc Trung Quốc.

Sau đó một thời gian vì Chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên Thiền sư Chuyết Chuyết ủy thác đệ tử Minh Hành trở về Trung Quốc để thỉnh kinh. Kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích. Một số kinh đã được khắc bản trong thời ấy để ấn loát và phổ biến. Bản khác đều được tàng trữ tại chùa Phật Tích. Trong số những kinh sách mà Thiền sư Chuyết Chuyết mang theo lần đầu, có một nghi thức cúng cô hồn dưới nước và trên cạn, gọi là Thủy Lục Chư Khoa. Chuyết Chuyết và các đệ tử đã tổ chức một trai đàn lớn, cầu cho tất cả vong linh nạn nhân của thời đại. Nghi thức và cách tổ chức trai đàn này rất được vua Lê chúa Trịnh và các bậc công hầu thời ấy hâm mộ. Thủy Lục Chư Khoa từ đó được áp dụng rộng rãi tại các chùa miền Bắc cho đến nay.

Sau, chúa Trịnh Tráng trùng tu chùa Bút Tháp(Ninh Phúc Tự) và sư đến đây trụ trì và xiển dương Phật Pháp cho đến khi viên tịch.